Thị trường phục hồi, giá cước tăng cao giúp các đơn vị cảng và doanh nghiệp vận tải biển báo lãi lớn sau thời gian dài kinh doanh thua lỗ.
Theo sơ kết 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) có hơn 6.200 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Kết quả tích cực trên nhờ các cảng biển thuộc VIMC đã đạt sản lượng vận chuyển gần 70 triệu tấn hàng, doanh thu tăng mạnh và lợi nhuận đạt gấp đôi so với 6 tháng đầu năm 2020.
Tương tự, lãi ròng của Công ty Cảng Sài Gòn nửa năm qua cũng tăng 155%. Động lực chính đến từ tăng trưởng doanh thu hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng. Doanh nghiệp này hiện vận hành các cảng như Tân Thuận và Tân Thuận 2, Nhà Rồng Khánh Hội, Sài Gòn - Hiệp Phước... Ngoài ra, các công ty liên kết như Cảng tổng hợp Thị Vải, Korea Express Cảng Sài Gòn, Dịch vụ Container Quốc tế CSG cũng mang về lợi nhuận tốt cho VIMC.
Với Cảng Đồng Nai, doanh thu và lợi nhuận bán niên tăng lần lượt 38% và 35%. Trong khi đó, các cảng ở miền Trung cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Lợi nhuận Cảng Cam Ranh tăng 118% xuất phát từ sản lượng hàng khai thác qua cảng tăng hơn 35% và tăng ở những mặt hàng có lợi nhuận cao trong quý II. Trong khi đó, nhờ sản lượng hàng hóa tăng cùng với khai thác hàng siêu trường siêu trọng, lãi ròng của Cảng Quy Nhơn tăng 93%.
Khối doanh nghiệp tư nhân cũng ghi nhận kết quả tích cực. Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Gemadept ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm hơn 1.400 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận trước thuế khoảng 390 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp này đang sở hữu bốn cảng tại miền Bắc, một cảng tại miền Trung và ba cảng ở miền Nam. Tận dụng mạng lưới trên, kế hoạch kinh doanh năm nay của Gemadept lấy động lực chính là khối khai thác cảng. Gemadept đặt mục tiêu tăng thị phần từ 11% năm ngoái lên 19% năm nay và hướng đến 23% vào năm 2025, nhờ đầu tư mạnh vào cảng Gemalink và Nam Đình Vũ.
Không chỉ các cảng biển lãi đậm, đà tăng trưởng chung của ngành vận tải biển còn lan tỏa đến các doanh nghiệp có thế mạnh về kinh doanh kho bãi, đội tàu. Khối vận tải biển của VIMC sau thời gian dài thua lỗ đã bắt đầu có lợi nhuận trong năm nay. Nhiều tàu đã ký được hợp đồng cho thuê với giá tốt, giá cước tăng tuyến Á - Âu gấp 5 lần năm trước cũng khiến lợi nhuận tăng.
Bức tranh tài chính tương tự cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco). 6 tháng đầu năm, công ty này có lợi nhuận sau thuế hơn 220 tỷ đồng, thoát khoản lỗ gần 120 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài chốt lời cổ phiếu Ngân hàng Hàng hải (MSB) và thanh lý tài sản, kết quả kinh doanh trong quý II của Vosco còn đến từ đội tàu đã hoạt động ổn định và hiệu quả hơn so với cùng kỳ. Công ty cũng ký hợp đồng với mức cước tương đối cao cho một số tàu hàng khô và áp dụng các biện pháp kiểm soát chi phí. Nhờ đó, Vosco từ chỗ lỗ kéo dài đã chuyển sang chạm mốc lợi nhuận bán niên cao nhất tính từ năm 2009 đến nay.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải và Thương mại (Transco) cũng thoát lỗ cùng kỳ khi có lãi ròng hơn 3 tỷ đồng trong quý II. Lợi nhuận trước thuế bán niên của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cũng được Agriseco Research dự báo tăng hơn gấp đôi cùng kỳ 2020.
Một tàu container trọng tải hơn 214.000 tấn cập Cảng quốc tế Cái Mép hồi cuối tháng 10/2020. Ảnh: Trường Hà.
Nguyên nhân các doanh nghiệp cảng biển tăng trưởng trở lại trong nửa đầu năm chủ yếu nhờ thị trường vận tải biển phục hồi, giá cước lên cao.
Theo VIMC, kinh tế các quốc gia như Trung Quốc, châu Âu và Mỹ phục hồi nhanh sau đại dịch dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nguyên vật liệu tăng mạnh, tác động tích cực đến thị trường vận tải biển quốc tế.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đạt gần 320 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ. Lượng hàng hóa thông qua các cảng biển cũng tăng mạnh, sản lượng container tăng 24% đã đưa lợi nhuận các doanh nghiệp lên cao.
Ngoài ra, việc giá cước vận tải biển tăng cũng góp phần không nhỏ vào lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải và cảng biển. Hồi đầu tháng 7, chỉ số giá cước vận tải container toàn cầu Drewry World Container đã lên mức 8.399 USD, tăng 346% so với cùng kỳ năm ngoái.
Freightos Baltic Index cho biết, tỷ giá giao ngay (spot rates) trong vận tải từ châu Á đến Bắc Âu lần lượt tăng 92% và 480% so với cùng kỳ. Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), ở một số cảng, giá vận tải đã tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.